Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Với rượu, điều tốt nhất là không uống. Vì vậy có uống rượu để vui, để mừng xuân xin uống chừng mực, càng ít càng tốt. Trong mấy ngày tết để vui và ăn uống ngon miệng, nên uống1-2 ly bia trong mỗi bữa ăn.

Đo độ cồn của một người uống bia rượu chạy xe ở Đồng Nai – Ảnh: Hà Mi
* Rượu và bia khác nhau như thế nào?
* Uống bao nhiêu mới dẫn đến tình trạng ngộ độc?
- Khi uống rượu, nồng độ rượu trong máu tăng lên đưa đến ngộ độc từ nhẹ đến nặng. Thông thường nồng độ rượu trong máu là 0,1% đã say và ngộ độc nhẹ, 0,2-0,4% là say nặng, khi nồng độ lên đến 0,5% người uống rượu sẽ tử vong do ngộ độc cấp. Lượng rượu bia uống bao nhiêu sẽ bị ngộ độc từ nhẹ đến nặng tùy theo người. Có người uống rượu nhiều mới say nhưng có người uống chỉ một ly bia đã xỉn.
- Rượu và bia khác nhau ở chỗ chứa độ cồn khác nhau. Chất làm người ta say xỉn chứa trong rượu và cả trong bia là ethanol, tức cồn ethylic. Rượu chứa cồn cao độ, như rượu đế hay whisky chứa cồn 40% (cồn 40 độ) hay trên, trong khi bia chứa cồn thấp độ: 2-4%. Bởi chứa cồn thấp nên người ta dễ hiểu lầm uống bia nhiều chẳng việc gì. Có người còn ví von bia là cô gái hiền hậu hấp dẫn, nhưng thật ra uống bia quá nhiều cũng không tốt, ta cần xem bia là cô gái nham hiểm chứ không phải hiền hậu hấp dẫn, dễ thương mà mang họa.
* Cơ thể sẽ đáp ứng như thế nào khi uống rượu bia?
- Đối với cơ thể, cồn chứa trong rượu hay bia đều được xem là chất độc. Khi uống rượu hay bia, gan của chúng ta phải làm việc cật lực để giải độc và cơ thể phải thích ứng với độc chất là cồn. Chỉ cần uống rượu, bia sau vài phút đã có cồn hấp thu qua dạ dày, ruột để vào máu. Sau khi uống 1 giờ thì nồng độ cồn trong máu lên đến cực đại. Khi ấy nhiều cơ quan trong cơ thể bị tác dụng gây độc của cồn, đặc biệt là hệ thần kinh trung ương (uống nhiều rượu có thể bị tâm thần là vì thế).
* Những biện pháp dã rượu trong dân gian như uống nước đậu xanh, lá sống đời… có hiệu quả như thế nào và có để lại hậu quả không?
- Một số kinh nghiệm dân gian từ lâu được bà con áp dụng để dã rượu khi bị say, đặc biệt là uống nước đậu xanh. Đậu xanh trong dân gian không chỉ để dã rượu mà còn dùng giải độc nói chung khi bị ngộ độc thuốc hay chất độc khác. Khi đó, người ta nấu hạt hoặc bột đậu xanh lấy nước uống. Ta nên biết khi say xỉn là cơ thể đang bị ngộ độc rượu và gan làm việc cật lực để chuyển hóa rượu. Khi uống nước đậu xanh hay nước vắt từ lá sống đời xem như ta uống một lượng nước vào để pha loãng rượu, và các chất có trong đậu xanh hoặc lá sống đời có thể có chất giải độc thường có trong một số loại thực vật giúp giải độc rượu. Tính hiệu quả của các kinh nghiệm dân gian giúp dã rượu này chưa được minh chứng về mặt khoa học nhưng vẫn có thể áp dụng vì đậu xanh, lá sống đời có thể ăn được, không gây hại.
* Trong đông y xử trí như thế nào khi người nhà bị say rượu quá mức?
- Theo kinh nghiệm dân gian, khi người nhà say xỉn ta nên giúp họ tìm nơi thuận tiện để yên nghỉ (có nhiệt độ không quá nóng, quá lạnh, không bị gió luồn). Nếu có ói mửa cứ để cho ói mửa (là cách tống chất độc ra khỏi cơ thể). Sau đó giúp uống một trong các loại nước sau: nước trà, nước chanh đường, nước đậu xanh nấu… Các bà vợ không nên cằn nhằn hoặc tỏ ý giận hờn không bằng lòng mà nên tỏ sự thông cảm vì người say dễ bị kích động đưa đến quậy phá. Nếu say quá nặng (có thể ngộ độc rượu cấp hoặc ngộ độc methanol) nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
* Khi uống rượu có người dùng viên Paracetamol để ngăn chặn đau đầu. Uống thuốc như vậy có đem lại hiệu quả nào không?
- Không chỉ Paracetamol mà có người còn dùng Aspirin. Người uống rượu nhiều thường bị nhức đầu, nếu dùng Aspirin hoặc Paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu nhờ có tác dụng giảm đau sẽ giúp hết nhức đầu, giúp người uống rượu dễ chịu hơn. Nhưng từ tác dụng vừa kể rồi suy luận rằng dùng Aspirin hay Paracetamol trước khi uống rượu để ngừa nhức đầu thì thật nguy hiểm. Aspirin có tác dụng phụ là làm tổn hại niêm mạc dạ dày-tá tràng, đưa đến viêm loét, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Người uống rượu không thôi đã gây hại dạ dày rồi nay uống thêm Aspirin thì không khác “thọc mũi dao sắc cạnh” là Aspirin vào dạ dày vốn mong manh của mình.
Còn Paracetamol là thuốc có vẻ an toàn hơn Aspirin nhưng có một độc tính ít người biết đến là làm hại gan rất dữ. Dùng Paracetamol liều cao lâu ngày có thể làm gan nhiễm độc, hoại tử tế bào gan. Người uống rượu lâu ngày gan đã bị suy yếu rồi, nay lại uống thêm Paracetamol gọi là để tăng “đô” chắc chắn tăng “đô” đâu không thấy chỉ thấy cửa tử là hoại tử tế bào gan.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -